Răng khôn, hay còn gọi là răng số 8, là chiếc răng mọc trong cùng tính từ răng cửa giữa trở vào. Thông thường, một người có 4 chiếc răng khôn, 2 ở hàm trên 2 ở hàm dưới. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới răng khôn mọc lệch, nguyên nhân chính thường vì mọc muộn, các răng khác đã tự điều chỉnh đủ chỗ trên cung hàm, răng khôn không còn đủ chỗ để mọc lên bình thường cho nên nó mọc ra theo một hướng khác.
Việc để răng khôn mọc lệch về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và sức khỏe của bạn đấy!
Trong cuộc sống hiện nay, chức năng của răng khôn không rõ ràng, nhưng những phiền toái mà chúng gây ra cho chúng ta lại rất khó lường.
Vậy Răng khôn mọc lệch gây nguy hiểm như thế nào ?
Thực tế đã cho thấy, răng khôn mọc lệch gây ra khá nhiều mối nguy hiểm cho người bệnh. Dưới đây là 4 mối nguy hiểm thường xảy ra khi răng khôn mọc lệch.
1. Gây xô lệch hàm
Hàm răng của con người thường chỉ đủ chỗ cho 28 răng (14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới). Khi răng khôn mọc, do xương hàm không có đủ vị trí nên nó sẽ đâm sang răng bên cạnh, khiến cho chiếc răng này dần bị tiêu hủy, lung lay, nặng hơn nó sẽ xô đẩy chèn ép dây chuyền lên toàn bộ hàm răng gây nên rụng răng. Triệu chứng sớm của việc mọc lệch này là những cơn đau âm ỉ ở khu vực có răng khôn.
2. Viêm lợi, nhiễm trùng nướu
Do răng khôn ở trong cùng của hàm nên rất khó vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ. Sự tích tụ lâu ngày gây sâu răng hoặc viêm nhiễm vùng lợi xung quanh dẫn đến sưng, đau, hôi miệng… Bệnh viêm lợi sẽ tái phát nhiều lần và mức độ trầm trọng sẽ tăng dần nếu răng khôn không được chữa trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng sẽ lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má … Nghiêm trọng hơn, bệnh sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.
3. Gây u, nang xương hàm
Với nhiều người, quá trình mọc răng khôn kéo dài hàng năm trời, mỗi năm, răng chỉ nhú lên một chút rồi không có bất kỳ dấu hiệu gì trong suốt một khoảng thời gian dài. Quá trình mọc không hoàn chỉnh này khiến cho răng rất dễ bị nhiễm trùng mãn tính. Kết quả là hình thành nên khối u xương hàm và nang thân răng, khiến cho hàm răng bị tổn thương nặng nề.
4. Rối loạn về phản xạ và cảm giác
Có không ít trường hợp ghi nhận răng khôn mọc lệch ngầm, đâm vào phía bên trong hàm hoặc về bên má gây chèn ép dây thần kinh dẫn đến hiện tượng mất cảm giác ở môi, da và niêm mạc răng. Hiện tượng này tác động không nhỏ đến việc ăn uống hàng ngày, khiến cho người bệnh cảm thấy chán ăn, không ngon miệng, không cảm nhận được mùi vị thức ăn…
Khi nào thì nên nhổ răng khôn?
Chúng ta nên nhổ răng khôn khi: Răng mọc lệch hoặc ngầm đã gây biến chứng: đau, khít hàm, viêm sưng, sâu răng… Răng mọc lệch lạc ra khỏi cung hàm, không có tác dụng gì cho việc ăn nhai, gây trở ngại, khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng. Độ tuổi nhổ răng khôn hợp lý nhất là 17-25 khi chân răng mọc được 2/3 thì nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ diều trị tốt nhất. Người sau 30 tuổi không nên nhổ răng khôn vì lúc này xương hàm đã cứng và đặc hơn, thường phải phẫu thuật để nhổ và gặp nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục sau khi nhổ.
Người lớn tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh tim, phổi, tiểu đường và máu nên được bác sĩ tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết trước khi quyết định nhổ răng, nhằm phòng các biến chứng nguy hiểm nhé!
Chúc các bạn có hàm răng khỏe mạnh